---
1. Câu chuyện của mình
Mình vào lớp 1 sớm, khi chỉ mới 5 tuổi, vì trót “theo kịp” các anh chị lớp mẫu giáo mẹ dạy (mẹ phải mang mình theo đi dạy vì ở nhà không ai coi). Nhưng lớp 1 ở quê nhiều người đi học muộn khi đã 8,9 tuổi. Cái đứa nhỏ tong teo là mình không có bạn vì quá nhỏ, quá ốm yếu, vì không giống ai, hay vì cái gì không biết nữa. Dĩ nhiên là mình biết mình lạc đàn, mình cô đơn, và mình muốn hòa nhập. Vì thế, suốt những năm cấp 1, 2, mỗi khi bị mẹ bắt học tiếng Anh ở nhà là mình nước mắt nước mũi tèm lem. Vì không học cái thứ tiếng không ai biết đó (vào cuối những năm 1980, ở một vùng quê heo hút xứ Huế, cấp 1,2 không có môn ngoại ngữ) thì so với lũ bạn mình cũng đã đủ quái dị rồi.
Nhưng, mẹ mình, người mẹ tốt nghiệp Sư phạm Văn nhưng đã tự học tiếng Anh để trở thành một trong những hướng dẫn viên du lịch đầu tiên ở miền Trung đầu những năm 1990, không sờn lòng vì thái độ chống đối của mình. Mẹ chuyển nhà vô Đà Nẵng, và bắt mình ôn luyện trong 3 tháng để thi vào ban D trường chuyên Lê Quý Đôn. Lẽ dĩ nhiên là cái đứa nhà quê vừa dốt vừa ghét tiếng Anh như mình rớt cái bạch. May mắn là còn vô được trường Thái Phiên. Nhưng ngày đầu tiên học tiếng Anh, mình đã bị “dũa” một trận te tua trước cả lớp vì cái tội cấp 2 không học tiếng Anh mà đòi bon chen vô lớp 10 hệ 7 năm. Kết lại, ông thầy phán một câu xanh rờn “Cô liệu mà xin chuyển lớp khác đi, chứ không ở lại lớp thì đừng trách tôi!”
Hình như là mình tự ái, và tối hôm đó hình như lần đầu mình thực sự học tiếng Anh. Hôm sau, thầy dò bài 8 đứa. Một đứa 8 điểm, 6 con zê-rô, còn mình 6 điểm. Rồi mình đăng ký đi học lớp Văn phạm căn bản 3 tháng, rồi xong thì học tiếp Chứng chỉ A 8 tháng, xong đó nữa thì lên Bằng B. Cuối năm lớp 10, điểm tiếng Anh của mình cao nhất lớp. Thi học kỳ 1 năm lớp 11, điểm mình cao nhất trường. Và, mình nghe nói ông thầy tiếng Anh năm lớp 10 của mình đã hỏi mình là đứa nào, tại sao không gọi vô đội tuyển Anh (mình đã yên vị ở đội tuyển Văn rồi).
Rồi, cũng theo sự định hướng của mẹ, mình thi đại học khối D. Tự ôn, chỉ đi học thêm mỗi môn Toán. Kết quả là Toán 10đ, nhưng Anh chỉ 6đ, còn Văn 5đ vì lạc đề. Và cú sốc thứ hai là ở đại học phải học đủ 4 kỹ năng trong khi trước đó mình chỉ biết học ngữ pháp và làm bài tập văn phạm. Lại phải lọ mọ leo lên từ vị trí gần bét lớp trong các môn Nghe Nói. Leo hết 4 năm, bò được đến chỗ nghe nói đỡ đỡ tí thì mình ra trường.
Thiếu 0,15 mới được bằng giỏi, không xin đi dạy được, mình phải đi làm hướng dẫn viên du lịch để kiếm tiền học lên cao. 7 năm làm nghề hướng dẫn, nhiều khi nằm mơ cũng nói tiếng Anh, khả năng nghe nói của mình tốt hẳn, nhưng lại không động gì đến đọc viết. Rồi mình cũng xin đi dạy được, bỏ cái nghề hướng dẫn đã chọn mình mà theo đuổi cái nghiệp mình đã chọn.
Cú sốc tiếp theo: sinh viên của mình rất yếu, và ghét tiếng Anh. Nói một câu xong, phải giải thích vài ba câu tiếng Việt, tốc độ nói phải giảm xuống năm bảy chục phần trăm mà chúng nó còn ca cẩm. Phải làm quen với việc nói thật chậm, dùng từ thật đơn giản, và không còn sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày nữa. Dễ hiểu là mình sẽ quên sạch, sẽ không thể giao tiếp được nữa, chính xác đó là điều đã xảy ra với vốn tiếng Nhật của mình sau vài năm không động đến. Và thế là mình lại phải bơi, để khỏi phải chết chìm. May thay, 5 năm sau, kết quả thi TOEIC, TOEFL và sau đó là IELTS đã cho thấy mình vẫn chưa lụt nghề, vẫn có ít tiến bộ. Rồi IELTS hết hạn, đi thi lại, lên được 0.5 dù chẳng ôn luyện được mấy.
Đấy, câu chuyện của mình. Dài dòng tí, để chứng minh một điều – Học tiếng Anh không phải là điều không thể. Ít ra, mình đã làm được đến 3 lần đấy thôi. Học từ chỗ không hề có căn bản, học giao tiếp từ nền tảng chỉ biết văn phạm, và học tiếng Anh thương mại, học thuật trong môi trường toàn tiếng Việt. Và mình tin, ai cũng có thể học tiếng Anh, kể cả là đứa từng ghét cay ghét đắng nó như mình, hoặc trước đó học tiếng Nga như em mình.
2. Kinh nghiệm học tiếng Anh
Như đã nói, kinh nghiệm của mình cũng chẳng có gì đặc biệt. Ở phổ thông, mình đuổi kịp các bạn cùng lớp đã học tiếng Anh được 4 năm chả phải nhờ tài giỏi xuất chúng gì, chỉ nhờ kiên trì. Thời đó không có nhiều lựa chọn và tài liệu học tiếng Anh như bây giờ. Đi học đầy đủ, chăm chú nghe giảng bài trên lớp và làm bài tập về nhà đầy đủ. 3 tháng văn phạm căn bản và 8 tháng bằng A, mỗi tuần 3 buổi tối. Chấp nhận học lại từ đầu, không bỏ cuộc giữa chừng, thế thôi. Dù trước đó mình thù tiếng Anh, và chán nản vì học ở trường chả hiểu gì. Mình buộc mình phải học, phải chăm chú tập trung ở lớp, phải làm hết bài tập về nhà. Không hề có tài liệu tham khảo, không đi học thêm ở trường, cũng không học hơn những gì được bảo, thậm chí có làm sai hay không hiểu bài cũng chẳng dám hỏi lại giáo viên.
Mình cũng đã ôn thi đại học như thế. Nhờ có thầy giáo dạy thêm Toán, một người dòng dõi hoàng tộc Huế. Mình đã làm đúng lời thầy khuyên: 4g30-6g sáng thứ 2,4,6 học Toán và sáng 3,5,7 học Văn, 9g30-11g đêm mỗi ngày học tiếng Anh. Tài liệu duy nhất mình có là quyển 150 Bộ đề luyện thi đại học tiếng Anh. Không viết vào sách, vì viết vào rồi thì có sách đâu mà học nữa (mình giữ thói quen đó đến tận bây giờ). Chép hết đề vào một quyển vở, làm bài vô đó, kiểm tra đáp án, tự chấm điểm, coi lại những câu sai. Làm hết 150 đề thì quay lại làm từ đầu. Lượt đầu tiên, toàn 2-3 điểm (thời đó đề thi đại học khó như quỷ!). Làm lượt thứ hai, lên được 4-5 điểm. Lượt cuối trước khi đi thi đại học thì được 8-9 điểm, có lẽ vì đã thuộc đề. Mình không nhớ đã chép hết bao nhiêu quyển vở, cũng không nhớ đã làm mỗi đề thi bao nhiêu lần trong suốt 2 năm lớp 11 và 12.
Bây giờ nghĩ lại, lợi ích lớn nhất của sự miệt mài đó là mình quen mặt chữ, viết đúng chính tả tiếng Anh, quen với văn phạm, cấu trúc và cách diễn đạt tiếng Anh và ngôn ngữ cứ dần dần thấm vào người lúc nào không hay. Dĩ nhiên, phương pháp này chống chỉ định với những ai lười biếng, thích ăn xổi và muốn giỏi ngay trong thời gian ngắn. Và cũng dĩ nhiên, mình đã phải nghe bao nhiêu lời ta thán chửi rủa từ sinh viên khi bị ép phải làm (và chép) hàng đống bài tập mỗi ngày. Kệ, mình cứ đội mũ phớt ăn quả bơ. Và rút ra thêm một bài học nữa: Không quan trọng bạn học giáo viên nào, sách gì, trường chi, mà quan trọng là bạn học như thế nào và đầu tư cho nó bao nhiêu thời gian.
Đối mặt với thử thách thứ hai – học giao tiếp. Chẳng phải mỗi mình mình bị sốc với môi trường đại học chuyên ngữ, kỳ nào cũng bốn môn Nghe Nói Đọc Viết đi đều, còn thêm các môn chuyên, giáo viên thì giảng bài bằng tiếng Anh. Khó khăn đầu tiên là phát âm. May nhờ được học môn Luyện âm, mình hiểu được cách đọc phiên âm quốc tế và từ đó trở đi khi học từ, tra từ điển,…luôn chú ý phát âm từ cho đúng. Đến khi đi thực tập, thầy giáo hướng dẫn lại bảo phải tra phiên âm từng từ một trong giáo án lên lớp, đừng tưởng từ đó quen mà phát âm đúng nhé. Quả thật là những bài học vô giá, vì mình đã thấy nhiều người phải vất vả khổ sở đến thế nào để sửa lỗi phát âm mà nhiều khi sai vẫn hoàn sai. Và dĩ nhiên là phải tạo thói quen để ý đến phiên âm khi tra bất cứ từ nào, dù nó có quen cỡ nào đi nữa. Một phương pháp khác: Mình thấy mẹ suốt ngày ngồi mở băng cát-xét tiếng Anh, nghe và lặp lại từng câu trong đó. Mình thì chưa bao giờ làm vậy, nhưng kết quả thì hoàn toàn rõ ràng. Mẹ phát âm đúng, chuẩn và nói tiếng Anh đủ giỏi để làm hướng dẫn viên du lịch đến tận bây giờ dù toàn tự học.
Tiếp theo là từ vựng. Lên đại học, tham gia nhiều hoạt động phong trào, đoàn hội,…nên mình cũng chẳng rảnh rỗi, lại còn học thêm tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung,…Nhưng từ đó, mình khám phá ra học ngôn ngữ bằng phương pháp so sánh thì dễ nhớ và nhớ lâu hơn hẳn. Ví dụ, từ tiếng Anh và tiếng Pháp này giống nhau ở chỗ nào, khác nhau ra sao về phát âm, nghĩa, cách sử dụng,…hay từ này trong tiếng Nhật thì tương ứng với từ tiếng Trung nào,…Tuy nhiên, mình dị ứng với kiểu nói/viết Anh – Việt lẫn lộn hay chêm từ nước ngoài vào trong câu. Ngôn ngữ nào cũng giàu và đẹp, đừng có lai tạp chúng đi chỉ vì vốn từ vựng nghèo nàn hay sở thích dùng thuốc súng của bạn.
Ngoài ra, mình học từ theo phương pháp của Bác Hồ, một ngày 5 từ viết vào mảnh giấy nhỏ, gồm phiên âm, từ loại, nghĩa, ví dụ,…Mỗi ngày một tờ, cuối tuần thì ôn lại từ đã học cả tuần, lâu lâu ôn lại hết tất cả và học lại những từ đã quên. Mình còn dụ nhóm bạn thân cùng học kiểu đó, 6 đứa viết từ rồi xoay vòng đổi giấy cho nhau, viết một tờ nhưng có từ để học cả tuần, rồi bạn bè dò bài nhau, càng vui.
Đối với môn Nghe, mình học theo kiểu “tắm ngôn ngữ”. Nhờ có cái đài mẹ mua cho với giá 90.000đ (thời đó thế là cao rồi) bắt được BBC và VOA, mình cứ mở cho nó nói ra rả cả ngày rồi kệ nó đó mà học bài, nấu nướng, dọn dẹp…Mở triền miên được vài năm thì nó chán, nó đình công, rồi mình cho nó nghỉ hưu luôn. Không biết bây giờ nó ở đâu, nhưng đôi khi vẫn thấy nhớ nó. Còn nghe chủ động thì chỉ có mỗi quyển Listen Carefully (Jack C. Richards) đã sờn rách và đầy chữ của mẹ, mình cũng nghe tới nghe lui và làm bài tập (cố mà lơ những chỗ mẹ đã ghi vô đó chứ sao). Nghe được ít bài rồi ớn, bỏ. Mỗi lần sắp thi học kỳ, thấy lo lo, lại lôi ra nghe lại. Mà không hiểu trời xui đất khiến ra sao, nghe không biết bao nhiêu lần, sau này cũng có khi dạy bằng sách đó, mà chưa bao giờ mình nghe quá nổi Unit 10 trong sách. Nói túm lại, nếu không nhờ phát âm đúng (để hiểu được người ta khi họ nói tiếng Anh) và kinh nghiệm 7 năm đi hướng dẫn nghe đủ thể loại tiếng Anh trên đời thì mình cũng chẳng đoán được kỹ năng nghe của mình sẽ đi đâu về đâu.
Kinh nghiệm dạy tiếng Anh của mình bao nhiêu năm cũng chỉ đưa đến một kết luận khá đáng buồn: muốn nghe giỏi, chỉ có luyện, mà luyện thường xuyên trong thời gian đủ dài. Mình chưa thấy ai qua một đêm bỗng nhiên nghe giỏi cả, mánh mẹo trời đi nữa cũng thế. Môn Nói cũng vậy luôn. Dù đề ra quy định mỗi tuần hai ngày cả lớp chỉ nói tiếng Anh, ai chen câu tiếng Việt nào là phạt 500đ/lần (hồi đó 500đ còn giá trị) thì cũng chỉ có kinh nghiệm nhiều năm “chém” tiếng Anh mới giúp mình nói tốt. Con người mà, có phải chim sáo lột lưỡi xong là nói được ngoại ngữ ngay đâu.
Đọc đến đây, hẳn bạn đã ngao ngán lắc đầu. Không phải ai cũng kiên trì được, mà không có môi trường thì luyện nghe nói với ai? Chưa kể, có người vốn cũng khá giỏi, bỏ lâu ngày thì khả năng giao tiếp cũng “về mo”. Mình cũng từng bị hụt hẫng khi đang quen nói tiếng Anh với tốc độ tư duy (nghĩ đến đâu “bắn” đến đó) lại phải tiết chế, nói càng chậm càng đơn giản và càng nhiều…tiếng Việt càng tốt, không thì học trò sẽ ngủ sạch. Kinh nghiệm để học tiếng Anh, ôn thi TOEIC, TOEFL, IELTS,…trong môi trường không có tiếng Anh thì rất nhiều người đã chia sẻ, toàn là cao thủ và có rất nhiều độc chiêu, nên mình sẽ không nhắc lại nữa. Chỉ có vài điều có thể sẽ hữu ích cho những người muốn học tiếng Anh mà lười biếng hay bận rộn (với mình là cả hai).
Mình bắt đầu học từ trong ngữ cảnh. Thấy bất cứ chỗ nào có tiếng Anh cũng đọc, từ chai dầu gội, vỏ hộp thuốc, tờ giấy gói xôi đến mẩu quảng cáo trên truyền hình. Đọc, rồi đoán từ đó nghĩa là gì. Áng chừng vậy thôi, mà không đoán được cũng thôi, chừng nào gặp hoài cái từ đó mà không biết nó là gì mới bực bội đi tra từ điển. mà mình cũng không động đến quyển từ điển giấy lâu lắm rồi, toàn tra từ điển trên máy, vừa nhanh vừa tiện. Chỉ có điều, nên tra từ điển Anh-Anh ví dụ như Oxford Advanced Learners’ Dictionary, cũng là cho bản thân mình thêm cơ hội để đoán. Chừng nào làm biếng quá hay đoán hoài không ra mới rờ đến Lạc Việt. Thế nên, bạn bảo mình là chúa đoán mò, mình ừ ngay. Đọc hay nghe cũng thế, hiểu mang máng ý chính là được rồi, không hiểu thì đọc/nghe tiếp, rồi lại đoán. Mình ghét nhất kiểu học sinh vừa đọc/nghe vừa dịch. Đã không phải dịch giả thì đừng cố tỏ ra nguy hiểm, thế thôi. Khi không phải vướng bận với việc dịch câu hỏi từ Anh sang Việt, rồi nghĩ câu trả lời, rồi lại dịch ngược từ Việt sang Anh, tốc độ của bạn sẽ cải thiện đáng kể.
Với các kỹ năng nhận như đọc và nghe, theo mình, nên bắt đầu từ việc luyện nghe/đọc tiếng mẹ đẻ trước đã. Đừng vội cười. Nếu bạn không làm được cái việc nắm bắt ý chính của một bài phát biểu dài lê thê, hay hiểu được thông điệp thực sự sau lớp vỏ ngôn từ hoa mỹ, hay biết đọc ở đâu để tìm được thông tin mình cần trong một quyển sách dày cộp (tiếng Việt hết nhé) thì đừng mong bạn sẽ làm được điều đó bằng ngoại ngữ. Nghe/đọc cái gì, ở đâu, và dùng những căn cứ đó để suy luận ra sao là điều cực kỳ quan trọng ngay cả trong cuộc sống thường nhật của bạn. Hãy cứ nghe, đọc nhiều, và luôn tự hỏi mình “cái gì, tại sao…” Hãy tập nhận diện những từ quan trọng, cải thiện tốc độ đọc, và đặc biệt là đọc/nghe nhiều trong tất cả mọi lĩnh vực. Bạn sẽ không chỉ cải thiện được kỹ năng ngôn ngữ mà còn sẽ mở rộng được vốn từ, vốn kiến thức và có thêm nhiều ý tưởng để nói/viết về sau, một mũi tên trúng đôi ba con chim còn gì.
Vấn đề là nghe/đọc gì? Thứ nhất, hãy cố nghe/đọc tin tức thời sự, kiến thức khoa học phổ thông để có cái mà “chém gió” trong các bài thi nói/viết. Thứ hai, hãy đọc các sách/tài liệu dịch từ tiếng nước ngoài, văn học nước ngoài càng tốt, bởi nó sẽ giúp bạn làm quen với văn phong, cách tư duy, văn hóa của người bản địa, nắm được các sự tích, điển cố, có thêm kiến thức về lịch sử, địa lý, truyền thống… của người ta – chính là điểm bạn có thể gây ấn tượng với giám khảo hoặc người đọc hồ sơ xin học bổng của bạn chẳng hạn. Nếu vốn tiếng Anh đã kha khá rồi, hãy nghe/đọc sách, truyện, xem phim, nghe nhạc tiếng Anh,… tuy nhiên, kinh nghiệm của mình là hãy chọn những thứ bạn thật sự thích, rồi chỉ nghe/đọc bằng tiếng Anh thôi. Mình mà hễ bất cứ thứ gì có phụ đề tiếng Việt hay in song ngữ là mình sẽ đọc luôn tiếng Việt cho nó nhanh, thành ra chẳng lợi được gì mấy. Nghe, đoán, rồi nếu cùng lắm sau đó hãy tìm cái bản có phụ đề/bản dịch mà đọc, còn nếu lười quá thì…thôi luôn cũng chả sao. Một điều nữa, hãy chọn cái nào phù hợp với trình độ của mình mà chơi. Mình đã từng đọc say sưa trọn bộ 7 quyển Harry Potter nguyên bản tiếng Anh mấy lần, và lần nào cũng thấy nó hay hơn hẳn bản dịch. Nhưng, một lần mình thử đọc Biểu tượng thất truyền của Dan Brown bằng tiếng Anh, thì chạy mất dép luôn sau khi cố nuốt vài trang đầu. Đừng tự làm khó mình nếu có thể. Học mà thấy vui mới “vô” được, mình “thấm” bài học đó rồi.
Một điều nữa, nghe hơi lạ nhưng sẽ rất có lợi cho việc nghe/đọc nếu bạn nắm vững ngữ pháp. Khi đọc các bài đọc dài loằng ngoằng khó như tinh của TOEFL hay IELTS, mình chỉ lướt lướt qua từng câu, tìm chủ ngữ (à câu này nó nói về cái này), động từ (cái chủ ngữ lúc nãy nó thế này), tân ngữ (à thằng này chịu tác động của cái động từ đằng trước), liên từ (à mối quan hệ giữa các mệnh đề là thế này đây),…Cực kỳ hiệu quả để hiểu ý chính của câu mà chẳng cần biết nghĩa của từng từ hoặc quan tâm tới cái đống lùng nhùng rối tung beng trong đó nữa. Mình gọi kiểu đọc này là “đọc cấu trúc”, không phải đọc rồi tìm keywords như mọi người hay làm. Đọc từ cấu trúc lớn của bài (tiêu đề là gì, có mấy đề mục nhỏ, mấy phần/đoạn, mỗi phần/đoạn nói về cái gì, trong mỗi đoạn, câu topic sentence ở đâu, supporting sentences về cái gì,…) cho đến cấu trúc nhỏ của từng câu, từng mệnh đề, thậm chí trong từng cụm từ, ví dụ trong cái cụm danh từ dài lê thê, chỉ cần “túm cổ” được cái head noun (danh từ trung tâm) là đủ biết nó nói về cái gì, phần còn lại ta chơi bài makeno thế là xong. Lợi ích của kiểu đọc này cùng với kinh nghiệm nhiều năm mọt sách là tốc độ đọc của mình cực cao, cộng với khả năng đọc hiểu (hiểu thôi nhé, không dịch) cực tốt, nhờ vậy đi thi TOEIC hay IELTS điểm đọc toàn tuyệt đối, mặc dù lần nào cũng có cả đống câu hỏi mình chỉ trả lời dựa trên suy luận chứ không thực sự chắc chắn.
Môn Nghe cũng thế. Ngày còn đi học, nhiều khi làm bài thi Nghe xong mà cái mặt như bò đội nón vì chả hiểu nó nói cái gì, nhưng vẫn tự tin mình sẽ không rớt, vì mình biết mình cần nghe cái gì, nghe ở đâu, thậm chí nghe được câu trả lời mà không biết cái từ đó là gì luôn, kệ, ta cứ ghi câu trả lời, nghe được thế nào ghi thế đó, và bởi vì ta nghe được (dù không hiểu) cái cần nghe, phát âm và phiên âm chuẩn, ta đoán được từ đó ghi thế nào, tức là ta vẫn làm được bài, mà làm đúng, và quả thật cuối cùng điểm thi nhiều khi cao bất ngờ so với kỳ vọng. Cũng không biết nên gọi đây là bản năng hay kỹ năng, nhưng dù sao đó cũng là lợi ích của việc phát âm đúng, và nghe/đọc nhiều dẫn đến hấp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên thôi.
Còn lại, các kỹ năng phát như Nói và Viết tiếng Anh thường là vấn đề đau đầu nhất với những người tự học. Lời khuyên của mình vẫn cũ mèm thế thôi – Practice makes perfect. Với kỹ năng nói, điều quan trọng là không được sợ sai, phải dạn miệng mà nói, nói thế nào cũng được miễn người ta hiểu được mình. Nghe thì đơn giản thế chứ cả đống người hễ cần nói tiếng Anh là tự nhiên cơ miệng nó “đơ” bất tử không điều khiển được. Những người này phải uống hai “toa thuốc” cùng một lúc để trị bệnh xấu hổ, ngại mất mặt và bệnh “cứng lưỡi”. Để chữa triệu chứng, mình thường bắt học viên phải luyện phản xạ tức thời: gọi đến tên – nói; đếm đến 3 – nói; ai nói chậm bị phạt,…Tuy nhiên, cũng cần phải trị tận gốc căn “bệnh” này bằng việc cải thiện phát âm, từ vựng và ngữ pháp – khi tự tin về những thứ này rồi thì chả ngại ngần gì nữa cả.
Nói là kỹ năng không tự luyện được, vậy nên nếu không có thầy thì phải kiếm bằng được bạn để cùng luyện. Đừng ai đi thi như mình, trước ngày thi IELTS thì giở quyển sách Speaking ra đọc (thầm) lướt lướt xong đi thi, không luyện lấy một câu một chữ (vì không có thời gian và cũng chẳng có ai luyện cùng). Dĩ nhiên, điểm Nói của mình vẫn cao (8.0), nhưng nếu bạn không có kinh nghiệm nhiều năm “múa mỏ” kiếm tiền bằng tiếng Anh như mình thì đừng cố. Và hơn nữa, mình biết nhiều người sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công việc và cuộc sống hàng ngày, giao tiếp tốt với người nước ngoài, nhưng đi thi IELTS, TOEFL điểm Nói không cao, thậm chí đáng thất vọng. Đó là vì các kỳ thi tiếng Anh học thuật trên có những yêu cầu riêng, khác với tiếng Anh giao tiếp thông thường. Hãy tìm hiểu kỹ về yêu cầu của từng kỳ thi, từng bài thi để cho giám khảo điều họ cần thấy nếu bạn muốn điểm cao.
Tương tự, để viết tốt tiếng Anh bạn cũng phải cải thiện vốn từ và ngữ pháp cộng với luyện tập thường xuyên. Một trong những cách dễ nhất là kết bạn hay theo dõi các thần tượng của bạn hoặc những người nổi tiếng thế giới qua Facebook, Twitter,…và chịu khó đọc/ nhận xét vào các bài đăng của họ. Không những viết tốt hơn mà bạn cũng có thể nói/đọc tốt hơn vì những status hay comment đó thường giống văn nói hơn là văn viết.
Một vài cách khác nữa là vào các group / diễn đàn học tiếng Anh, kết bạn với người nước ngoài, hay những người Việt muốn học tiếng Anh như bạn chẳng hạn. Điều mấu chốt là phải duy trì các mối quan hệ, như vậy bạn mới có cơ hội rèn tiếng Anh dài lâu. Mình có những người bạn nước ngoài từ những năm còn làm hướng dẫn viên du lịch, thỉnh thoảng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài, theo dõi các links/posts của các báo/tạp chí tiếng Anh, chịu khó đi dự hội nghị hội thảo để trình bày và gặp gỡ trao đổi chuyên ngành bằng tiếng Anh, hay lục lọi các trang học bổng và săn học bổng nước ngoài, dĩ nhiên là đều bằng tiếng Anh. Những điều đó đã giúp mình không “lụt nghề” ở trong môi trường nơi mà người nước ngoài là “động vật quý hiếm”.
Một cách học nữa của mình, có lẽ chẳng giống ai. Mình quan niệm để nắm vững cái gì, tốt nhất hãy…dạy nó. Trước khi thi TOEIC, TOEFL hay IELTS, mình đều đã dạy mấy “món” đó. Dĩ nhiên là để dạy được thì phải mày mò tìm hiểu, phải học từ vựng và ôn các điểm ngữ pháp có liên quan, phải tìm các tips/tricks hiệu quả đối với từng dạng đề, phải làm hết các bài tập mà mình sẽ dạy, và dĩ nhiên phải sửa bài cho học viên. Như vậy, mình học được đến 3 lần: 1 lần khi chuẩn bị bài giảng, 1 lần khi lên lớp và một lần nữa khi sửa bài cho học viên. Với đứa làm biếng và bận tối mắt như mình, nếu không phải vì áp lực phải chuẩn bị bài lên lớp mỗi ngày thì dĩ nhiên chả bao giờ mình học được gì cả. Vậy nên, nếu có thể, hãy tìm một đứa bạn, em út hay cháu chắt gì đó để dạy tiếng Anh, làm gia sư chẳng hạn, hoặc đôi bạn cùng tiến. Áp lực có lẽ là cách tốt nhất để học tiếng Anh, nhất là khi động lực của bạn chưa đủ mạnh.
3. Đôi lời cho những người học tiếng Anh
Dài dòng quá rồi. Dù sao, vẫn còn vài điều đã cũ nhưng chưa bao giờ đáng quên. Thứ nhất, vô số người quan niệm sai lầm rằng “Mình không thể học được tiếng Anh” “Mình không có khiếu ngoại ngữ”,…Xin thưa, chỉ cần bạn sinh ra ở một nước nói tiếng Anh, hay bị quăng vào môi trường chỉ có tiếng Anh vài tháng, tự khắc bạn sẽ nói được ngay. Trừ những người câm điếc bẩm sinh, bạn có thấy đứa trẻ nào không nói được chưa? Ừh thì mất vài ba năm, nhưng từ chỗ chỉ biết khóc oe oe, đứa bé nào cũng sẽ đi từ chỗ bập bẹ đến lúc có thể sử dụng thành thục ngôn ngữ. Vậy, chỉ cần bạn không bị câm, bạn sẽ nói được tiếng Việt, và dĩ nhiên, cả tiếng Anh nữa. Một đứa trẻ mất khoảng ba năm mới bắt đầu nói được những điều đơn giản, và lên 5-6 tuổi thì đã có thể diễn đạt bản thân khá tốt. Bạn đã thật sự học tiếng Anh được bao lâu (học thật nhé, không phải “đối phó” hay nhồi nhét, học vẹt), mà bảo bạn không thể học được, không thể nói được? Trừ phi bạn tự nguyện (hay cố tình) câm điếc, chuyện học một ngôn ngữ mới bất kỳ (không chỉ riêng tiếng Anh) là điều hoàn toàn có thể. Đúng là có những người có khả năng thiên bẩm về ngôn ngữ, nhưng bạn có nhất thiết phải là nhà ngôn ngữ học, chính trị gia hoặc diễn giả chuyên nghiệp đâu. Ngay cả những người thiểu năng trí tuệ vẫn có thể sử dụng tốt ngôn ngữ nếu kiên trì và có cách tiếp cận hợp lý. Vì vậy, bạn chẳng cần đến chỉ số IQ cao chót vót hay mặt xinh hình thể đẹp đâu, chỉ cần ít thời gian và nỗ lực mỗi ngày cho đến khi đạt được mục tiêu của bạn. Hãy nhớ, đừng cả thèm chóng chán. Hãy học như lời bài hát “Love me little, love me long”.
Thứ hai, động lực và phương pháp là hai điều quan trọng cần phải đúng đắn. Hãy học tiếng Anh để sử dụng được nó khi bạn cần, đừng chỉ học để thi. Dĩ nhiên vượt qua các kỳ thi rất quan trọng, nhưng nói thật mình ghét việc chỉ khi cần đi thi mới học, thậm chí khi chỉ còn vài tuần hay ít ngày nữa đã “lên thớt” mới thôi đủng đỉnh. Ừ thì hệ thống hóa kiến thức khẩn cấp, tips, tricks đủ loại. Nhiều bạn vẫn vượt qua kỳ thi. Nhưng còn vốn tiếng Anh, sau kỳ thi đó, bạn còn lại bao nhiêu? Đa phần chỉ còn miếng giẻ rách chó gặm rồi. Vì vậy, hãy duy trì động lực đủ mạnh, chọn phương pháp đúng đắn, và đầu tư cho khả năng ngôn ngữ của chính bạn, đừng vì mất căn bản hay lâu ngày không động đến mà bỏ luôn để khỏi vuột mất những cơ hội giăng ra trên khắp nẻo đường đời cho những ai biết nói thứ tiếng của thời đại toàn cầu này.
Một điều nữa, dù học tiếng Anh để làm gì, cũng hãy nhớ nó chỉ là một công cụ. Nó là phương tiện, chứ không phải đích đến. Hãy học để sử dụng nó cho tốt hay ít nhất là đủ tốt cho mục đích của bạn (giải trí, công việc, học tập, du lịch hay cưới người nước ngoài,…) Nhưng ít nhất, phải Nghe Nói được tiếng Anh (speak English) chứ đừng chỉ học tiếng Anh (learn English) xong rồi bỏ xó, rồi đến khi cần dùng tới lại đớ lưỡi vì …run. Dao năng mài năng sắc. Bạn đổ vô đó bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức, chẳng lẽ chỉ để cuối cùng vẫn vừa điếc vừa mù tiếng Anh?
Và cuối cùng, hãy nhớ, khả năng ngôn ngữ mới là điều quan trọng. Nói như Sir Alex Ferguson “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Nếu đẳng cấp bạn đã tốt, thì cho dù đi thi cái gì đi nữa kết quả cũng sẽ ổn, chỉ cần ôn luyện trong thời gian ngắn. Còn nếu như đẳng cấp của bạn chưa “tới”, phong độ phập phù, thì tốt nhất hãy chịu khó và kiên trì ôn luyện từ gốc. Luyện tập thường xuyên thì dù chậm, chắc chắn khả năng của bạn sẽ được cải thiện. Tiếng Anh cũng như cô người yêu đỏng đảnh khó chiều, nếu không thường xuyên quan tâm chăm sóc thì một ngày nào đó “nàng” sẽ lẳng lặng bỏ ta đi không lời từ biệt. Và, cũng như trong tình yêu, nếu bạn biết nuôi dưỡng đúng cách, “nàng” sẽ không bao giờ phản bội bạn.
No comments :
Post a Comment